Phản hồi Chàng_trai_năm_ấy

Doanh thu phòng vé

Chỉ trong ngày đầu ra mắt, Chàng trai năm ấy đạt mức doanh thu 6 tỷ đồng - con số khá cao với các phim Việt. Đến hết ngày 4 tháng 1, phim đón khoảng 400.000 lượt khán giả tại các cụm rạp trên toàn quốc. Với hơn 3.000 suất chiếu, Chàng trai năm ấy đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng[1]. Hầu như các hệ thống rạp chiếu lớn trên khắp cả nước đều dành đa số suất chiếu và phòng chiếu lớn trong ngày cho bộ phim[1]. Ở những rạp chiếu đông khách, lịch chiếu Chàng trai năm ấy rất dày đặc, gần như cách 30 phút là có một suất chiếu bộ phim. Theo thông tin từ các rạp chiếu, Chàng trai năm ấy trở thành lựa chọn hàng đầu của khán giả trong dịp Tết Dương Lịch 2015, khi các suất chiếu của phim đều đầy rạp. Ghi nhận về phản hồi của khán giả, hầu hết đều bất ngờ, thích thú và rơi nước mắt khi theo dõi bộ phim. Đạo diễn Quang Huy trực tiếp đi xem bộ phim ở nhiều rạp để cảm nhận hiệu ứng khán giả và nhận xét: "Điều khiến tôi hài lòng nhất là hầu như toàn bộ những phản hồi của khán giả đều khen ngợi dàn diễn viên".[1]

Đến thứ 6, ngày 9 tháng 1 năm 2015, đạo diễn Quang Huy xác nhận tổng doanh thu phim đã đạt hơn 42 tỷ đồng sau một tuần ra rạp[10]. Sau này phim thu về 60 tỷ đồng.

Phản hồi chuyên môn

Nhìn chung, Chàng trai năm ấy nhận được phần lớn lời khen ngợi, đặc biệt là từ lứa tuổi teen, trong đó nhiều người dành lời khen cho phần nhạc phim. Tuy nhiên, một bộ phận khán giả vẫn không đánh giá cao chất lượng bộ phim và chờ đợi một điều gì đó mới hơn, hấp dẫn hơn ở đạo diễn Quang Huy trong những tác phẩm sau.[10]

Sau khi bộ phim được phát hành, một số khán giả nhận xét bộ phim đã khắc họa có phần khác biệt, thậm chí sai lệch hình tượng của Wanbi Tuấn Anh. Lý Minh Tùng, quản lý và cũng là người chắp bút cuốn tự truyện của nam ca sĩ cũng cho rằng đạo diễn "không dành trọn vẹn "cái tình" cho Wanbi như những gì đã hứa khi bắt tay chuyển thể cuốn tự truyện về Wanbi". Ông cho rằng "Cách lý giải "chỉ lấy cảm hứng" hay tuyên bố "Chàng trai năm ấy không phải là phim về Wanbi Tuấn Anh", theo tôi là lời bào chữa vô cùng thông minh của đạo diễn Quang Huy, nhưng lại thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng Wanbi". Trong dòng giới thiệu và trên áp phích phim đã cho thấy phim được chuyển thể từ cuốn tự truyện, nhân vật Đình Phong được đạo diễn “sao chép” đến 80% những chi tiết có thật từ cuộc đời Wanbi nên không thể nói phim chỉ lấy cảm hứng được. Phim có nhiều chi tiết hư cấu xúc phạm người đã khuất, như việc bố của Đình Phong ăn và có câu “tuyên ngôn” về thịt chó ngay trên giường bệnh, hay việc Đình Phong có thái độ xấc xược với đàn anh, cầu xin lòng hảo tâm và sự thương hại của khán giả, đồng nghiệp trong đêm nhạc tự tổ chức để quyên góp tiền trị bệnh. Ông Tùng cho biết ngay từ đầu, ông đã thống nhất với đạo diễn có thể sáng tạo các nhân vật, tình tiết, nhưng phải tôn trọng mọi chi tiết liên quan đến nhân vật Đình Phong và gia đình của nhân vật. Cuối cùng, ông cho rằng đạo diễn phải lên tiếng xin lỗi chính thức những hư cấu gây ảnh hưởng hình ảnh nam ca sĩ. Tuy nhiên, với "tư cách khán giả", ông Tùng cho rằng đây là một bộ phim giàu cảm xúc và có nhiều điểm cộng. Ông cũng dành lời khen cho dàn diễn viên của phim.[11]

Báo Giáo dục Việt Nam nhận xét bộ phim đưa nguyên câu chuyện cuộc đời của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh mà thiếu sáng tạo khiến phim thiếu hấp dẫn, cách xây dựng nhân vật không thuyết phục, nhiều nhân vật thừa, diễn xuất "kịch", chỉ có Sơn Tùng M-TP là có diễn xuất ổn nhất, góc quay không hợp lý mà "đậm chất ca nhạc", dựng phim gây cảm giác chắp vá... Tác giả bài báo chỉ ca ngợi duy nhất việc sử dụng ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" một cách hợp lý và xuyên suốt trong phim.[12]

Trái ngược, một tác giả của báo Tiin ca ngợi diễn xuất của dàn diễn viên trong phim, đặc biệt là sự "có hồn" của Sơn Tùng M-TP, vốn là ca sĩ, có nhiều chi tiết hài hước, phần hình ảnh tốt, có những góc quay đủ sáng đủ sâu, ngoại cảnh đẹp. Phim có sự mạch lạc, "đủ hài đủ bi", có kịch bản tuyến tính và dễ đoán, cách kể nhẹ nhàng, tinh tế, lắng đọng, buồn nhưng không quá bi lụy. Tác giả bài báo cũng ca ngợi loạt ca khúc xuất hiện trong phim ngoài "Chắc ai đó sẽ về". Tuy nhiên, cũng như bài báo trên, cây bút này cho rằng phim có mở đầu chậm chạp, lan man, một số nhân vật phụ hoàn toàn không có vai trò gì.

Trước những phản hồi trên, Sơn Tùng M-TP cho biết: "Tôi chấp nhận, vì tôi cũng có fan nên tôi hiểu được cảm giác fan dành cho thần tượng là thế nào. Khi nghe người khác vào một vai diễn lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của thần tượng mình, người ta có quyền hi vọng, kiểu như nhân vật đó sẽ giống anh Wanbi, có nụ cười như anh Wanbi, rồi vóc dáng, tinh thần... đều giống anh Wanbi cả. Tôi hiểu, nên khi nghe những lời ấy, tôi đã nói với anh Quang Huy rằng tôi chấp nhận, và anh Huy cũng bảo tôi nên chấp nhận, bởi tôi không thể nào là anh Wanbi được".[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chàng_trai_năm_ấy http://www.facebook.com/phimchangtrainamay http://www.imdb.com/title/tt5232522/ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/son-tung-m-tp-p... http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20140612/son-tu... http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20140617/ngam-a... http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/cha... http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/cuo... http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/qua...